Như vậy, sau khi có xu hướng giảm nhẹ trong hai tháng trước đó, tháng Sáu là 1.09%, việc CPI tăng nhẹ trở lại trong tháng 7 làm tăng lo ngại về việc liệu lạm phát đã thực sự bước vào chu kỳ giảm. Trước đó, Ngân hàng nhà nước trong một động thái bất ngờ đã giảm lãi suất OMO từ 15% xuống 14%, làm giới phân tích (chẳng hạn Fitch Rating gần đây đã cho rằng đây là động thái nới lỏng tiền tệ) e ngại rằng Ngân hàng nhà nước đã vội vàng trong điều hành tiền tệ như thường lệ trước đây: thắt chặt đầu năm và nới lỏng cuối năm. Tuy nhiên, trong các bài phân tích về tính chu kỳ của chính sách tiền tệ, chúng tôi đã cho rằng theo chu kỳ thì CPI tháng 7 sẽ tăng và dự báo từ tháng 8 thì CPI (m/m) sẽ tiếp tục chu kỳ giảm. Việc giảm lãi suất OMO theo chúng tôi đơn giản là phản ánh sự cải thiện về thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Do vậy, việc CPI tăng trở lại trong tháng 7 không phải là điều ngạc nhiên trong khi việc giảm lãi suất OMO vào ngày 4/7 không đồng nghĩa với sai lầm bài học cũ được lặp lại. Mọi việc vẫn đang diễn ra theo đúng tinh thần Nghị quyết 11.
Điều gần đây một số nhà kinh tế rộ lên sự tranh luận vê nguy cơ về lạm phát đình đốn – điều mà chúng tôi cảnh báo trong các bài phân tích cuối năm 2010 về sự lựa chọn chính sách. Có lẽ 6 tháng là khoảng thời gian đủ để người ta nhận thấy rằng các doanh nghiệp khó có thể sống với cách cách tiếp cận tiền tệ truyền thống: lãi suất cao chống lạm phát cao. Có thể đâu đó cho rằng lãi suất cao là cơ hội để sàng lọc doanh nghiệp, nhưng thật khó để tin rằng một nền kinh tế chỉ tăng trưởng 5% lại có những doanh nghiệp tốt sẵn sàng đi vay với lãi suất lên tới 20%.
Sản xuất đình đốn là điều có thật. Trong bài nghiên cứu tháng trước, chúng tôi đã nhìn con số sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa như là những biểu hiệu sụt giảm của cung cầu. Tháng này, những con số đó tiếp tục được khẳng định. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp lũy kế từ đầu năm đã sụt giảm hai tháng liên tiếp từ khoảng trên 14% xuống 9.7% so với cùng thời kỳ năm trước trong tháng 6 và còn 8.8% trong tháng 7. Nếu bỏ qua yếu tố giá thì con số này đã liên tục sụt giảm từ đầu năm và còn 4.6% vào tháng 7. Trong khi đó thì tổng mức bán lẻ hàng hóa lũy kế từ đầu năm đến tháng 7 tăng 22.30% so với cùng thời kỳ năm trước, trong xu thế giảm nhe từ đầu năm nhưng thấp hơn hẳn so với năm 2010. Đi cùng với sự sụt giảm đáng ý của sản xuất công nghiệp là sự gia tăng của hàng tồn kho, tháng 7 là 16%, tháng 6 là 15.9% trong khi tháng 5 là 14.6% và tháng Tư là 5%. Có thể nói, sụt giảm sản xuất công nghiệp, tăng tỷ trọng hàng tồn kho và tổng mức bán lẻ hàng hóa ở mức thấp là những biểu hiện của nền kinh tế đang trong giai đoạn đình trệ. Việc đình trệ này sẽ chỉ có thể nói là hợp lý nếu trong thời gian tới sức ép lạm phát giảm trong khi sự sụt giảm sản xuất công nghiệp và hàng tồn kho tăng chậm lại.
Với những nhận định này, chúng tôi nhìn nhận rằng thị trường chứng khoán chưa nhìn thấy cơ hội chừng nào tiền không chạy trong nền kinh tế. Với sự hạn chế tín dụng phi sản xuất (16% vào cuối năm) cộng với mặt bằng lãi suất phải chờ diễn biến CPI, cả yếu tố đòn bảy niềm tin (tín dụng phi sản xuất) cũng như kỳ vọng thực (vào hoạt động của doanh nghiệp) đều không ủng hộ thị trường. Do vậy, những đợt hồi phục của thị trường nếu có thường sẽ ngắn và nhanh. |
Nhận xét
Đăng nhận xét