Lãi suất vay lên tới 27%

(Vietstock)
Hiện nay mức lãi suất cho vay trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh bị một số ngân hàng đẩy lên 22%/năm, nếu cộng các loại phí do các ngân hàng tự đặt ra thì lãi suất thực đã lên tới 27%/năm. Mức lãi suất này ít doanh nghiệp nào dám vay.
Cuộc đua ngầm đẩy lãi suất vay lên 27%/năm


Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, ở cuối tháng 4 vừa qua, lãi suất cho vay đã tăng mạnh ở cả ba mảng: cho vay nông nghiệp, cho vay sản xuất thông thường và cho vay phi sản xuất.
Trong đó, lãi suất cho vay sản xuất nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu từ 14,5-17%/năm (trước chỉ từ 14,5 – 15%/năm); cho vay sản xuất kinh doanh khác từ 17-20%/năm (trước là 16 – 18%/năm); đối với lĩnh vực phi sản xuất từ 20-23%/năm (trước là từ 18-22%/năm).
Tuy vậy theo phản ánh thực tế, hiện vẫn có một số ngân hàng đã phá rào lãi suất huy động lên mức từ 15%-19%/năm, dẫn đến lãi suất cho vay trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh bị đẩy lên mức tới 22%, thậm chí có ngân hàng thương mại tự đặt ra nhiều loại phí khiến lãi suất vay thực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ lên tới 27%/năm.
Nhận định về vấn đề thiếu vốn của các doanh nghiệp do lãi suất vay quá cao, TS. Nguyễn Thị Mùi, Hiệu trưởng trường Đào tạo Nhân lực Viettinbank cho biết, nguồn vốn của NHTM cũng giống như các doanh nghiệp phải kinh doanh. Trên dưới 90% nguồn vốn của các tổ chức tín dụng là phải đi vay từ các tổ chức kinh tế, các đoàn thể trong xã hội. Thời gian vừa qua, tiền gửi của doanh nghiệp giảm hơn 19%. Tính riêng trong một tháng có ngân hàng đã giảm tới hơn 5%. Do vậy số ngân hàng đã chào với mức tiền gửi cao hơn, dẫn đến cuộc đua tăng ngầm về lãi suất.
Đây là một trong những khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi đang phải đối phó với các chi phí sản xuất đầu vào cũng như những tác động xấu khác từ độ trễ của chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
Trước những phản ánh khó khăn của các doanh nghiệp, tại buổi toạ đảm " Giải pháp vốn cho doanh nghiệp" tổ chức sáng nay (10/5), TS. Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thực hiện Nghị quyết 11, các bộ, ngành và địa phương cũng đã đồng loạt ban hành và triển khai nhiều văn bản cụ thể, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Những nỗ lực này đã nhanh chóng trở thành một hiệu ứng tích cực, đối với cả nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Tuy nhiên, vì mỗi chính sách ban hàng đều có độ trễ, nên chúng ta cần kiên định trước những sách lược vừa được triển khai. Và cùng với đó, nhiều giải pháp đồng bộ và lâu dài như cải cách thủ tục hành chính, đất đai hay nguồn nhân lực cũng cần tiếp tục chú ý tháo gỡ cho doanh nghiệp”, ông Lộc chia sẻ.
Doanh nghiệp tìm vốn ở đâu?
Thực tế hiện nay bên cạnh việc tiếp cận vốn vay, các kênh huy động vốn chủ sở hữu như cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu… dường như vẫn chưa được phát huy một cách đúng mức. Theo VCCI thống kê, có đến 74,4% doanh nghiệp muốn tìm đến vốn bằng hình thức vay ngân hàng, nhưng không phải doanh nghiệp nào có thể tiếp cận được nguồn vốn này, do nội lực của doanh nghiệp và do các thủ tục bất cập khác của ngân hàng.
Theo giải pháp vốn của VCCI, các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn qua một số kênh có nguồn vốn dồi dào, bên cạnh việc tiếp cận vốn vay có mức hợp lý. Ngoài vốn vay ngân hàng, doanh nghiệp có thể tìm vốn qua hình thức phát hành cổ phiếu, trái phiếu, mua chịu hàng hoá, đi thuê tài chính hay liên doanh liên kết.
Thị trường chứng khoán đang được xem là kênh huy động vốn quan trọng của nhiều doanh nghiệp. Với nhiều hình thức khác nhau như gọi vốn từ cổ đông, chào bán riêng lẻ cho đối tác, công nhân viên chức… việc phát hành cổ phiếu đã được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng. Tuy nhiên, việc phát hành cổ phiêu ồ ạt lại khiến thị trường chứng khoán bị bội thực nguồn cung. Vì thế, kênh huy động này đã không phát huy được hiệu quả trong thời gian gần đây.
Cùng với cổ phiếu, phát hành trái phiếu thời gian vừa qua cũng giúp nhiều doanh nghiệp tìm được một kênh huy động vốn rất hiệu quả. Thông qua kênh này, doanh nghiệp có thể tránh bị pha loãng cổ phiếu, được hưởng ưu đãi thuế đối với vốn vay và giảm chi phí sử dụng vốn. Đặc biệt, nếu phát hành trái phiếu chuyển đổi, doanh nghiệp chỉ phải trả mức lãi suất rất thấp, thậm chí không phải trả lãi.
Tuy nhiên, theo VCCI, để đảm bảo cho sự thành công của đợt phát hành, các doanh nghiệp phải minh bạch và uy tín. Bởi, hiện nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn yếu về năng lực quản lý, công nghệ lạc hậu, thiếu nhân lực, vốn ít, và bị hạn chế trong việc lập dự án, phương án sản xuất, hệ thống sổ sách kế toán còn thiếu minh bạch. Do vậy, cơ hội tiếp cận kênh huy động vốn là không cao. Các doanh nghiệpcó thể tìm kiếm vốn bằng một số hình thức khác như thuê tài chính, mua chịu hàng hoá hay liên doanh liên kết. Đây sẽ là bước đi quan trọng và sẽ tạo được nguồn vốn cho các doanh nghiệp.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến