Cảnh báo về sự an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng


Thời gian qua, lãi suất liên ngân hàng tại Việt Nam đã lên mức 21 – 24%/năm trong khi lãi suất tái cấp vốn đến ngày 1/5 vừa qua mới ở mức 14%/năm và lãi suất trên thị trường mở kỳ hạn 7 ngày ở mức 14%/năm. Đây chính là một trong những lý do khiến lãi suất huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế vượt xa mức trần 14%/năm thì các NHTM cũng đẩy mạnh lãi suất cho vay lên mức cao mà các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh “khó có thể chấp nhận”, lãi suất cho vay VND tại một số NHTM đã lên tới 27%/năm. Tình hình kinh tế vĩ mô tốt hơn năm 2008 nhưng lãi suất lại cao hơn rất nhiều.

Chính sự tồn tại phổ biến của hình thức lách trần lãi suất huy động và nâng lãi suất cho vay quá cao này đã tạo ra sự méo mó của hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay. Hiển nhiên các NHTM sẽ xây dựng hai hệ thống kế toán song song để hạch toán hoạt động của cùng một ngân hàng, một để đối phó với việc thanh tra của NHNN, một để theo dõi tình hình hoạt động thực tế của ngân hàng. Và như vậy, có thể con số công bố về tỷ lệ nợ xấu và lãi suất của các NHTM hiện nay không phản ánh đúng thực tế.

Có thể nói, sự méo mó trên là hệ quả của chính sách tiền tệ thắt chặt có phần chưa tối ưu, điểm điều chỉnh chưa chuẩn xác. Đánh giá lại chính sách tiền tệ 2010, trong 6 tháng đầu năm tín dụng thắt chặt. chỉ tăng trưởng 10%; nhưng trong 6 tháng cuối năm chính sách tiền tệ được nới lỏng, tăng trưởng tín dụng lên đến 18%. Nó cho thấy rõ sự điều hành, nén lò xo. Nếu không có sự thay đổi trong cách điều hành chính sách tiền tệ năm 2011 thì lịch sử có thế sẽ lặp lại.

Ở thời điểm hiện nay, định hướng chính sách điều hành tiếp theo sẽ ra sao cũng đang là câu hỏi đối với nhiều NHTM trong hệ thống. Họ vẫn chờ đợi chính sách tiếp theo của NHNN trong khi đó lại có nhiều tin sai lệch đang làm nhiễu thông tin điều hành.

Bong bóng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán có dấu hiệu xì hơi

Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đang rối rắm, méo mó thì thị trường bất động sản và chứng khoán lại ngày càng trở nên nghiêm trọng. Thị trường bất động sản Việt Nam đặc biệt là tại một số tỉnh thành sau một thời gian dài sau tình trạng bong bóng, thì gần một tháng trở lại đây lại đang có tình trạng xì hơi với những cuộc bán tháo của các nhà kinh doanh bất động sản. Không những giá giảm nhanh mà các nhà kinh doanh bất động sản còn thực hiện nhiều chiêu chào bán, thậm chí là rải tin nhắn qua di động. Tuy nhiên, giao dịch bất động sản diễn ra cầm chừng.

Trong khi đó, những biện pháp thắt chặt tiền tệ, hạn chế dòng tiền vào thị trường chứng khoán của Chính phủ đã khiến TTCK lâm vào giai đoạn buồn tẻ nhất đồi với các nhà đầu tư, thị trường giảm điểm chậm và kéo dài khiến nhà đầu tư ngày càng chìm sâu vào các khoản lỗ. Nếu như công cụ đòn bẩy được sử dụng nhiều trong giai đoạn thị trường sôi động với nhiều hình thức hợp tác đầu tư, dịch vụ tài chính cũng đang được sử dụng nhất là giao dịch ký quỹ thì nay lại làm nhiều nhà đầu tư trắng tay.

Không chỉ các nhà đầu tư gặp khó khăn mà các công ty chứng khoán cũng đang gặp khó khăn với các khoản phải thu khó đòi này phát sinh từ các dịch vụ hỗ trợ tài chính cho các nhà đầu tư trước kia bằng cách cho mua chứng khoán sau 1 – 2 ngày, thậm chí dài hơn mới đóng tiền. Bên cạnh đó, một số công ty chứng khoán còn sẵn sàng cấp tín dụng cho nhà đầu tư bằng hình thức giao dịch ký quỹ với tỷ lệ 1:1, 1:2, thậm chí 1:4. Chính sự dễ dãi này đã khiến nhiều nhà đầu tư gia tăng sử dụng công cụ giao dịch ký quỹ. Do vậy, khi thị trường xấu như hiện nay, nhà đầu tư thua lỗ và công ty chứng khoán cũng không thể thu hồi lại khoản hỗ trợ tài chính nên đành phải tiến hành khoan nợ, gây ra áp lực giải chấp. Sự rút niêm yết, chuyển hình thức kinh doanh của công ty chứng khoán, hay việc bỏ trốn của Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty chứng khoán Hà Thành vừa qua cho thấy đã bắt đầu đến ngưỡng chịu đựng của các công ty chứng khoán.

Những diễn biến hiện nay của TTCK và thị trường bất động sản đang cảnh báo nguy cơ sập hai thị trường này là hoàn toàn có thể xảy ra. Và những hệ lụy của hai thị trường này đối với thị trường là không nhỏ.

Thị trường bất động sản, chứng khoán diễn biến xấu – hệ thống ngân hàng lao đao

Sự méo mó của hệ thống ngân hàng hiện nay còn xuất phát từ thực tế tỷ lệ cho vay lĩnh vực phi sản xuất của hầu hết các ngân hàng đều ở mức cao. Thậm chí tại nhiều ngân hàng, tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất đã được đội lốt dưới bộ hồ sơ vay của lĩnh vực sản xuất.

Bên cạnh đó, thiếu thanh khoản thì phải siết tín dụng, trên TTCK, những ngân hàng hợp tác với công ty chứng khoán hỗ trợ tài chính cho khách hàng, đang đòi nợ gắt gao. Hậu quả là hiện tượng cổ phiếu bị giải chấp đang lan rộng, áp lực thu hồi các khoản cho vay bất động sản ngày một lớn và không ngân hàng nào muốn trì hoãn việc thu hồi các khoản nợ trên.

Với quy định về tỷ lệ cho vay trong lĩnh vực phi sản xuất ở mức 22% có hiệu lực từ tháng 6/2011, trong khi thu hồi vốn tại các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh bất động sản và chứng khoán có những diễn biến xấu bất thường trong thời gian tới sẽ kéo theo ảnh hưởng đến sự ổn định của toàn hệ thống ngân hàng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến